2024-11-01 HaiPress
"Cha mẹ muốn con đọc sách để giảm bớt thời gian sử dụng thiết bị điện tử,nhưng phần lớn cha mẹ không đọc sách",Giám đốc Khu du lịch Cửa Biển Nguyễn Văn Cảnh nói tại phiên thảo luận Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa 2025-2035.
Ông nói đọc sách là thói quen rất quan trọng,là quá trình "học tập suốt đời",giúp thấu hiểu chính mình và cảm thông với người khác. Còn đọc thông tin trên mạng,chỉ là dạng lướt không đầy đủ nội dung,dễ suy nghĩ phiến diện và dẫn đến xu hướng muốn đả kích người khác hoặc ủng hộ thái quá.
"Đọc hết một cuốn sách giúp ta hình thành thói quen làm việc đến nơi đến chốn. Còn đọc lướt trên mạng tạo thói quen hời hợt,không tập trung",đại biểu Cảnh nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu ngày 1/11. Ảnh: Media Quốc hội
Theo ông,người Việt Nam được khen thông minh,cần cù và được thiên nhiên ưu đãi,tuy nhiên đất nước chưa phát triển đúng tiềm năng. Nguyên nhân là người Việt cần cù nhưng dễ thỏa mãn,hiểu biết nhanh nhưng ít học từ đầu đến cuối,cởi mở nhưng không kéo dài,tiết kiệm nhưng cũng hoang phí do sĩ diện hoặc phô trương,thích tụ tập nhưng thiếu kỹ năng trong hoạt động nhóm.
Khắc phục được những điểm yếu này theo đại biểu Cảnh "chỉ có thể thông qua đọc sách". Sách sẽ giúp con người nhận ra giá trị của quy tắc ứng xử,chuẩn mực đạo đức; hướng con người đến cái nhìn tích cực,thấu hiểu,chia sẻ với người xung quanh,phê phán thói hư tật xấu. Đây chính là xây dựng văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt.
Đại biểu Cảnh nhấn mạnh sự cần thiết phải hướng trẻ em đến với sách để đối trọng với tác động tiêu cực của công nghệ số. Ông cho rằng việc đọc sách không chỉ giúp trẻ giảm thiểu thời gian sử dụng thiết bị điện tử mà còn góp phần hình thành thói quen đọc,rèn luyện tư duy và bồi dưỡng nhân cách. Các thầy cô tiểu học có thể giao cho trẻ đọc sách mỗi ngày và tóm tắt nội dung để hình thành thói quen đọc sách.
Ông kiến nghị xây dựng các góc đọc sách tại nhiều địa điểm công cộng,từ trường học,công viên,bảo tàng,vườn hoa,bệnh viện đến phòng chờ sân bay,bến cảng,khách sạn,khu du lịch,khu vui chơi,trạm chờ xe bus... nhằm khuyến khích người dân đọc sách mọi lúc,mọi nơi.
Hồi tháng 9,TP HCM đặt mục tiêu "mỗi người đọc 10 cuốn sách mỗi năm" và hướng đến xây dựng các không gian mới dành cho sách. Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết mục tiêu được đưa ra để xác định chỉ tiêu quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc của người ở TP HCM. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông,hiện Việt Nam có 30% người đọc sách thường xuyên,26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc.
Chính phủ cho biết Chương trình mục tiêu quốc gia cũng dành một mục lớn cho hỗ trợ phát triển hoạt động sáng tác văn học,nghệ thuật. Theo đó,tổ chức,cá nhân,học sinh,sinh viên ngành văn hóa,văn học sẽ được trợ cấp,học bổng. Nhà nước cũng tổ chức định kỳ cuộc thi,trại sáng tác văn học,nghệ thuật và chương trình nghệ thuật quốc tế ở Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ giao lưu,học hỏi kinh nghiệm của thế giới.
Sơn Hà
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.
©bản quyền2009-2020 Thông tin Công nghệ Việt Nam Liên lạc với chúng tôi SiteMap